Các biện pháp đối phó của chính quyền Biến_cố_Phật_giáo_năm_1963

Đối phó Phật giáo biểu tình, tuyệt thực

Tại Sài Gòn, ngày 30/5/1963 các lực lượng cảnh sát và mật vụ bao vây chùa Xá Lợi tại Sài Gòn và các chùa Từ Đàm, Báo Quốc và Linh Quang tại Huế.[21]

Ngày 01/6/1963, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và Phó Tỉnh trưởng Nội an Đặng Sĩ bị triệu hồi về Bộ Nội vụ ở Sài Gòn đợi lệnh.[8]

Tại Huế, ngày 3/6/1963, cảnh sát và quân đội có vũ trang chặn đường không cho đoàn biểu tình đến chùa. Quần chúng ngồi xuống đường, chắp tay hướng về chùa Từ Đàm cầu nguyện thì bị cảnh sát dùng lựu đạn cay, lựu đạn khói và chó nghiệp vụ giải tán. Hòa thượng Thích Trí Thủ tới can thiệp để giải tán đoàn biểu tình. Mọi người về tới Bến Ngự thì bị một lực lượng cảnh sát khác tấn công bằng lựu đạn cay và lựu đạn khói.[21]

Ngày 4/6/1963 cảnh sát phong toả các chùa Từ Đàm, Báo Quốc và Linh Quang. Quần chúng kéo lên chùa nhưng bị ngăn lại. Đám đông áp dụng chiến thuật ngồi xuống đường cầu nguyện. Lựu đạn cay, lựu đạn khói và chó nghiệp vụ được sử dụng để giải tán khiến 142 người bị thương, trong đó 49 người bị thương nặng.[24]

Căn cứ chính của cuộc đấu tranh như các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Giác Minh, Từ Quang, Báo Quốc, Từ Đàm và Linh Quang hoàn toàn bị cô lập và bị cắt điện nước. Tại các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Ba Xuyên, những đoàn thể Phật giáo bị ép ký những kiến nghị ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm. Cảnh sát chặn bắt và đuổi về địa phương tất cả những tăng ni từ các tỉnh lên Sài Gòn và từ Sài Gòn về các tỉnh.[25]

Các lực lượng chính phủ canh gác, xét hỏi các tăng ni và những người qua đường đồng thời chặn bắt, lục soát và tịch thu tất cả tài liệu kêu gọi đấu tranh. Các quán ăn và các tiệm cà phê ở Sài Gòn đều có mật vụ. Những người bị tình nghi là lãnh đạo cuộc đấu tranh bị theo dõi. Chính quyền còn bỏ tài liệu Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào các chùa rồi lục soát để vu cáo các hòa thượng và phật tử theo Cộng sản. Quân đội và cảnh sát được lệnh cấm trại.[25]

Tại các tỉnh, các chùa trụ sở của giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng Già đều bị phong tỏa.[25]

Theo Đỗ Mậu (Giám đốc Nha an ninh quân đội), chính quyền đã có những hành động khiêu khích đánh vào lòng tự trọng của Phật giáo: cho lính cảnh sát, mật vụ cạo trọc đầu giả làm nhà sư đi ra đường trêu ghẹo phụ nữ, ăn uống tục tĩu, quỵt tiền và làm các việc bất minh để lấy cớ để phát động tuyên truyền bôi nhọ Phật giáo.[7]

Thành lập Ủy ban Liên bộ

Ngày 4/6/1963, Chính phủ Ngô Đình Diệm thành lập Ủy ban Liên bộ để nghiên cứu giải quyết những nguyện vọng của Phật giáo, do phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đứng đầu. Thành phần Ủy ban Liên bộ gồm:[8]

  1. Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ
  2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Lương
  3. Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyển Đình Thuần

Ủy ban Liên Phái chấp nhận cộng tác với Ủy ban Liên Bộ. Một phái đoàn hỗn hợp của hai bên được gửi ra Huế để giải tỏa các chùa Từ Đàm, Linh Quang, Báo Quốc, và Diệu Đế, đồng thời kêu gọi Phật tử trở về sinh hoạt bình thường, kiên nhẫn chờ đợi hành động của chính quyền.

Sự lắng dịu chỉ kéo dài chưa tới được một tuần lễ. Nhận thấy đối thoại với Ủy ban Liên bộ không đưa đến kết quả cụ thể trong khi chính quyền vẫn âm thầm xiết chặt những biện pháp kiểm soát, Ủy ban Liên Phái ra lệnh tiếp tục đấu tranh.[26]